Dạo ngắm Đông Dương qua bộ ‘bách khoa thư bằng đá’ về các thuộc địa tác giả Hà Vũ Trọng
Giữa Kinh đô Ánh sáng ngày nay, để thoát li không gian náo nhiệt, người ta tìm tới không gian xanh rộng nhất của thành phố là Bois de Vincennes nằm ở rìa phía đông Paris, thuộc quận 12. Thật khó mà tưởng tượng ra tại khu rừng này, quanh Hồ Daumesnil đã từng có một ‘thành phố của các thuộc địa’ với hàng chục mô hình toà nhà kiến trúc đồ sộ theo phong cách văn hoá đặc trưng của mỗi thuộc địa, hàng chục ngôi làng chen chúc với sự hiện diện của hàng ngàn dân bản xứ và thổ dân đến từ thuộc địa của Pháp trên thế giới, gồm những nhạc công An Nam, nghệ nhân châu Phi, kị sĩ A-rập, và cả thổ dân Kanak ăn thịt người, vv… tại nơi đây từng có năm xứ ở Đông Dương với ngôi đền Angkor Wat được tái tạo quy mô với kích thước tỉ lệ 1:1, nhiều nhà cửa và đền đài với phong cách kiến trúc ba miền của Việt Nam.
Đây chính là khu vực Triển lãm Thuộc địa Quốc tế tại Paris năm 1931 (diện tích triển lãm với bề ngang 1200m và chiều dài hơn 10 cây số), thời gian kéo dài suốt sáu tháng thu hút hơn ba chục triệu lượt người tới thăm. Thật là một cảnh tượng ngoạn mục đánh dấu đỉnh cao của Đế chế Pháp ở hải ngoại mà nó muốn quảng bá và tôn vinh, như trong bài phát biểu lúc khánh thành của Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud, ‘mục đích thiết yếu của Triển lãm này là để người Pháp ý thức về Đế chế của mình’. Phải nhìn nhận cuộc Triển lãm này mang đậm tính bảo tàng dân tộc học và văn hoá nghệ thuật mà người Pháp vốn rất chú trọng, trớ trêu thay đây cũng là ánh hào quang chói lọi lúc hoàng hôn của đế chế Đại Pháp (la plus grande France), giữa hai cuộc thế chiến, trước khi sụp đổ theo các phong trào giải phóng thuộc địa.
Bản hoạ đồ Triển lãm Thuộc địa Quốc tế-Paris-1931; bên trái phía dưới là khu Dông Dương/Indochine, và Bảo tàng Thuộc địa ở rìa dưới bên phải.
Bảo tàng Thuộc địa vào năm 1931, do kiến trúc sư Albert Laprade thiết kế, Alfred Janniot trang trí phù điêu mặt tiền.
Ở trước lối vào Rừng Vincennes mà trong đó có vườn nhiệt đới đặc biệt nay vẫn còn lưu lại nhiều vết tích ngôi làng Đông Dương của các cuộc triển lãm thế giới từ thời kì tươi đẹp Belle époque cho tới thế kỉ 20, trước tiên ta sẽ thấy một nhân chứng quan trọng còn lại của cuộc Triển lãm 1931, đó là toà nhà Palais de la Porte Dorée (Cung Kim Môn), nguyên là Bảo tàng Thuộc địa (Musée des Colonies) được thiết kế để trở thành một công trình thường trực, một tụng ca về nền Đế chế Pháp ở đỉnh cao của nó.
Trong số khoảng 150 bảo tàng của thành phố Paris, thì Palais de la Porte Dorée - về tổng thể kiến trúc, trang trí, điêu khắc và phù điêu là một ngoại lệ đặc sắc, một kiệt tác tiêu biểu cho thời hoàng kim của Art Déco, rất đáng để ta thưởng ngoạn và chiêm nghiệm. Mặt tiền của toà nhà là một bức phù điêu khổng lồ được chạm nổi toàn bộ bằng đá có kích thước quy mô vượt tất cả những thành tựu nghệ thuật phù điêu của châu Âu hay của cả thế giới thời hiện đại, được gọi là ‘tấm thảm bằng đá’ (tapisserie de pierre) bao phủ một bề mặt là 1130m2 - cao 12m và dài 92m , tầm cỡ chỉ có thể sánh với các tác phẩm chạm khắc vĩ đại trên tường của các đền thờ Ai Cập, Assyria hay Angkor Wat. Phiến đá bên trái cửa ra vào khắc: ‘Bức phù điêu này do Alfred Janniot sáng tác, vẽ và điêu khắc từ năm 1928 đến 1931. Gabriel Forestier và Charles Barberis đã hợp tác thực hiện.’
Trong vòng ba năm, cho thấy những giai đoạn kì công của Janniot trong sự manh nha và thực hiện tác phẩm với một năng lực phi thường, bằng trí tưởng tượng sáng tác dựa trên sự hấp thu và đúc kết mọi phong cách nghệ thuật điêu khắc lớn trong quá khứ (như Ai Cập, Hi-La, Assyria, Angkor) cũng như những nguồn tham khảo dân tộc học và tri thức về khoa học tự nhiên ở các vùng thuộc địa mang tính hương xa (exotic). Trên ‘tấm thảm đá’ thể hiện bằng loại hình chạm nổi thấp (bas-relief) này, Janniot nắm bắt được các nét văn hoá đặc thù của 28 thuộc địa, mang đặc trưng chủng tộc, y phục, và tất cả đều ra sức lao động trong bức phong cảnh thiên nhiên. Khi chiêm ngưỡng toàn bộ bức phù điêu với hơn 200 loại động vật và thực vật thể hiện , người ta có thể nghĩ đến việc lập một danh sách có hệ thống các loài động vật, thực vật và tất nhiên cả những đặc điểm nhân chủng xuất hiện trên đó; nó như một cuốn sách ảnh kì vĩ đại diện cho các thuộc địa được chạm khắc qua đôi tay kì diệu của một bậc thầy, dù ‘sứ mệnh’ là nhắm tới sự tuyên truyền khi tôn vinh sự lao động của các dân tộc thuộc địa đang hết mình đóng góp cho ‘nước Mẹ Đại Pháp’.
Palais de la Porte Doree là sự giao thoa của kiến trúc Art Deco đương đại, kiến trúc cổ điển Pháp với các yếu tố lấy cảm hứng từ nghệ thuật của các thuộc địa.
Sau khi các thuộc địa của Pháp giành lại độc lập, Bảo tàng Thuộc địa trải qua những phức cảm thăng trầm trong việc nhiều lần đổi tên, như sau này đổi thành Bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi và châu Đại dương, cho đến năm 2003, các bộ sưu tập của nó được chuyển sang bảo tàng mới là Musée du Quai Branly, và vào năm 2007 thì Palais de la Porte Dorée trở thành Bảo tàng Lịch sử Nhập cư và Thuỷ cung Nhiệt đới.
Trước khi dạo ngắm bức phù điêu của Janniot trên mặt tiền Bảo tàng Thuộc địa, ta cần liệt kê một số tác phẩm thể loại có quy mô hoành tráng khác có liên quan chủ đề về Đông Dương (toàn phần hoặc một phần) đã hiện diện trong cuộc triển lãm đỉnh cao vô tiền khoáng hậu này:
- Những bích hoạ lớn có diện tích tổng cộng 600m2 của Ducos de la Haille (1889-1972) trang trí cho các sảnh của Bảo tàng Thuộc địa, với chủ đề ‘Nước Pháp và năm lục địa’ về những đóng góp của Pháp cho các thuộc địa (để đối trọng với phù điêu bên ngoài của Janniot về đóng góp của các thuộc địa cho Pháp), trong đó có những bức lớn miêu tả về sự truyền bá y học và khoa học ở Đông Dương trong ‘sứ mệnh khai hoá’.
- Georges-Michel (1883 –1985) với năm tấm tranh lớn sơn dầu trên bố, diện tích 50 m2, trang trí cho Bảo tàng Thuộc địa, miêu tả các dân tộc thuộc địa đang khai thác những sản phẩm chính để xuất cảng cho Pháp từ những tài nguyên thực vật, động vật, và khoáng sản.
- André Herviaut (1884-1969) vẽ cho bảo tàng Thuộc địa ba bức tranh lớn miêu tả vai trò các viên chức Pháp ở thuộc địa, gồm những kĩ sư trắc địa, kĩ sư xây dựng và những quản trị viên.
- Nữ hoạ sĩ Boullard-Deve (1890-1970) với bích hoạ hoành tráng kích thước: dài 40m, cao 1,5m (vẽ bằng bột màu trên giấy và được bồi trên vải) miêu tả cộng đồng các dân tộc ở Đông Dương, được trang trí hành lang trong mô hình Đền Angkor.
- Hoạ sĩ hải quân Charles Fouqueray (1869–1956) với 12 bức tranh lớn miêu tả những hải cảng ở các thuộc địa, trong đó có cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng…
- Một bộ 84 tấm phù điêu của Emile Pinchon (1872-1932) bao phủ gần 500m2 bề mặt trang trí cho các phòng trưng bày trong tòa nhà đồ sộ là Thành phố Thông tin (La Cité des Informations). Đây là thành tựu hoành tráng cuối đời của Pinchon thể hiện những cảnh sinh hoạt và lao động ở các thuộc địa. Tiếc thay, cũng như số phận của nhiều tác phẩm trang trí khác bị phá huỷ sau cuộc triển lãm (có ba bức phù điêu của sinh viên trường MTĐD), chỉ có 4 bức của ông được cứu, trong đó có hai bức về Đông Dương với đề tài nông nghiệp và công nghiệp hiện được treo trong một văn phòng của Tòa thị chính Noyon.
- Và phải kể tới bộ phù điêu do ba sinh viên của Trường Mĩ thuật Đông Dương thực hiện để trang trí cho đại sảnh của Cung Đông Dương, gồm ba bức, tổng cộng có kích thước: dài 39 m, cao 2m, với ba chủ đề: Nông nghiệp do Vũ Cao Đàm , Ngư nghiệp do Georges Khánh, và Công thương nghiệp do Lê Tiến Phúc. Năm 1931 cũng là điểm son đánh dấu lớp hoạ sĩ đầu tiên tốt nghiệp Mĩ thuật Đông Dương đi tham dự triển lãm quốc tế đầu tiên này tại Paris, một số họ cũng tới để trang trí cho các gian Đông Dương, mà người thầy và hiệu trưởng Trường Mĩ Thuật Đông Dương là Victor Tardieu làm giám tuyển cho gian triển lãm Đông Dương, khi ấy ông cũng đã vừa hoàn thành bức tranh tường có diện tích 77m2 cho giảng đường Đại học Đông Dương vào năm 1928.
Nhà điêu khắc Alfred Janniot (đứng bên trái) cùng các cộng sự đang thực hiện tấm phù điêu Đông Dương cho mặt tiền toà nhà Bảo tàng Thuộc địa.
Janniot và người mẫu cho phù điêu về châu Phi.
Alfred Janniot, sinh 1889 tại Paris và qua đời năm 1969, là nhà điêu khắc quan trọng bậc nhất của nghệ thuật hoành tráng và Art Déco giữa thời kì hai cuộc chiến, ông là người kế thừa của Rodin, Bourdelle và Maillol. Ông điêu khắc trang trí cho nhiều công trình kiến trúc của Pháp, đặc biệt ở các thành phố như Paris, Bordeaux và Nice. Danh tiếng Janniot lẫy lừng trong triển lãm nghệ thuật và kiến trúc qua các cuộc Triển lãm quốc tế 1925, 1931, và năm 1937 ông thực hiện bức phù điêu cho Palais de Tokyo biểu tượng cho sự tôn vinh nghệ thuật.
Công trình phù điêu của Janniot có thể thưởng ngoạn như một thư mục thị giác với tỉ lệ hùng vĩ, tuy nó là một phần của chương trình nghệ thuật trang trí rộng lớn hơn bao gồm điêu khắc của Léon Drivier, tranh tường nội thất của Ducos de la Haille, và trang trí nội thất của một số nhà thiết kế lớn của Pháp, dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Albert Laprade và Léon Jaussely. Mỗi nghệ sĩ đóng một vai trò trong thông điệp tổng thể của tòa nhà. Nhưng sự đóng góp to lớn của Janniot đã lấn át những người khác khiến họ thành những ‘chú lùn’. Trong bốn loại hình chạm khắc phù điêu, Janniot chọn sử dụng loại thứ nhất là phù điêu thấp (bas-relief ) vốn được phục hưng vào thế kỉ 20 để trang trí cho những công trình kiến trúc lớn theo phong đang cách thịnh hành của Art Déco, và cũng vay mượn từ những nghệ thuật phù điêu cổ trong kiến trúc.
Tuy nhiên, bức phù điêu này phần lớn bị khuất tầm mắt khi thưởng ngoạn, vì mọi thứ tương quan bao trùm của nó với tòa nhà khiến cho khó nhìn thấy đại cảnh. Người xem không thể thấy hết các lãnh thổ thuộc địa Pháp trải dài từ vùng Caribe qua châu Phi và châu Á sang tới Nam Thái Bình Dương nếu không đi dạo hết một vòng quanh tòa nhà, cho nên chỉ có thể thấy được các bộ phận ở bất kể góc nhìn nào; về nhiếp ảnh cũng vậy, không lấy được cảnh rộng mà chỉ lấy được từng phần nhìn từ dưới lên. Bức phù điêu bao bọc xung quanh có bố cục gián đoạn thành ba phần (mặt tiền và hai bên phía tường đông và tây). Hai mươi hai cửa sổ cũng làm đứt thêm bố cục ở phần dưới, mỗi cửa sổ cao tới bốn thước tính từ sàn trở lên. Bất kì tầm nhìn nào từ xa cũng đều bị các cột đá nối với mái hiên nhô ra cản trở, cũng vậy, cả hàng lan can dựng lên ở bên ngoài hiên. Do vậy, để nắm được toàn cảnh trong đầu, ta cần đi dạo dọc theo hiên bảo tàng, sang phía đông hoặc phía tây trong khi ngắm nhìn lên bức tường phù điêu để xem chi tiết, và rồi lui trở xuống mặt đất, nhìn từ đường phố hoặc nhìn từ lối vào để hiểu tấm thảm bằng đá này cả chiều dọc lẫn chiều ngang, từ đó mới có thể nắm được được hết tầm nhìn và thị kiến rộng lớn của Janniot.
Phù điêu mặt tiền bên trái miêu tả các thuộc địa châu Phi.
Trong số 28 thuộc địa của Pháp trên thế giới được miêu tả và khắc tên trên ‘bộ bách khoa toàn thư bằng đá’ này, thì hai bộ phận quan trọng miêu tả đặc sắc và sinh động là các thuộc địa châu Phi và Đông Dương, chúng ta hãy dành cuộc dạo ngắm năm xứ ở Đông Dương: Nam kì (Cochinchine), Campuchia (Cambodge), Lào (Laos), Trung kì (Annam), và Bắc kì (Tonkin).
Khi bước chân lên bậc thang cửa chính trước khi đi vào Bảo tàng, thì trục trung tâm trên ngưỡng cửa là tấm lá nhĩ (tympanum) cho tất cả hội tụ, nước Pháp như ta thường thấy được biểu tượng là một người nữ, một bên là chữ La Paix (Hoà bình) còn bên kia là Liberte (Tự do), nhưng ở đây là một nữ thần tượng trưng cho sự Phong phú dồi dào có thân hình to lớn sau lưng nữ thần là con bò mộng đang ngồi trên đại dương cùng với nhiều cô con gái hội tụ xung quanh như Ceres - nữ thần nông nghiệp, Pomone - nữ thần của các loại trái cây,… và bao quanh hai bên cửa có tên những hải cảng của Pháp mà các sản phẩm từ hải ngoại hay các thuộc địa được vận chuyển tới như Bordeaux, sông Garonne, Le Havre ở phía tây, còn bên dưới phi trường Paris là Marseille và Địa Trung Hải bên phía đông, cùng những kiến trúc thành trì và tháp. Bắt đầu với biểu tượng trung tâm này, các thuộc địa được phân phối ở hai bên, theo logic địa lí và đối xứng.
Toàn cảnh phù điêu bên phải mặt tiền toà nhà Palais de Porte Dorée chủ yếu miêu tả các thuộc địa của liên bang Đông Dương, theo trình tự địa lí: Nam Kì, Campuchia, Lào,rồi rẽ góc ở bức tường phía đông sang Trung Kì và Bắc Kì. Giữa những cửa sổ cao bên dưới có tất cả 10 tấm lớn miêu tả những nghề canh nông, ngư nghiệp và thủ công, có thể xem như đứng riêng đồng thời vẫn hợp bích với phần còn lại bên trên.
Ta cần lướt qua bố cục ‘bản đồ’ của phù điêu này. Từ bậc thang bước lên cửa chính với tympanum vừa miêu tả ỏ trên, nếu đi dọc theo hiên về phía trái qua Bắc Phi, từ Tunisia tới Algeria dọc theo đỉnh phía trên của mặt tiền, và từ Congo sang Tây Phi rồi lên phía Tây Bắc tới lưu vực sông Nigeria, rồi Morocco, Senegal…. Ở rìa dưới là Đông Phi - đảo Reunion và Madagascar. Và khi rẽ góc toà nhà, chúng ta sang tới các đảo Ấn Độ Dương, vùng Caribbe và Châu Mĩ. Giờ chúng ta quay trở lại, băng qua khung cửa chính để ngắm bộ phận phù điêu về châu Á ở cánh bên phải hay cánh phía đông toà nhà. Trước khi sang tới Đông Dương, ta thấy trên phần chóp , một người phụ nữ ngồi xoãi trên boong chiếc thuyền buồm, đầu cô quấn khăn rủ xuống, mặt quay nghiêng hướng tới Pháp. Trang phục của cô và những cung điện mọc lên phía sau, đó là những cảng thương mại Pháp ở Ấn Độ. Ngay bên dưới con tàu cô đang ngồi, có chiếc máy bay đang ló dạng ra khỏi đám mây.
Giờ ta sang tới Đông Dương với bố cục phù điêu tuân theo địa lí từ nam lên bắc. Dưới đây là những miêu tả hay ‘chú giải’ các hình tượng để độc giả dễ thưởng ngoạn.
Trên tấm panô đầu tiên bên dưới, vẫn tiếp tục là biển nhưng là cảnh sinh thái dưới biển, và đàn hải âu bay. Dưới lòng đáy biển nhiệt đới Thái Bình Dương ta thấy những loại sinh vật và thực vật biển. Ở trên là rặng dừa đan xen nhau và lan sang phía sau ô cửa sổ tiếp theo, và ở bên trên là bờ biển, sau chiếc thuyền buồm ba cột ở bờ biển, ta thấy một con tàu chuyên chở hiện đại hơn chạy bằng hơi nước.
Rặng dừa nối sang tấm panô kế tiếp, ta thấy tấm bên dưới một cảnh ấn tượng, trong lòng tấm lưới lớn là một mẻ đầy dẫy các loại cá, lươn, chạch, cua… nhìn lên, có ba ngư dân đang kéo vào, người phía trước cúi nhìn vào mẻ lưới. Ở bên trên ta thấy một loạt những vó bè trên sông mà một ngư dân đang thả. Và cái lưới lớn tiếp tục sang cửa sổ và panô kế tiếp có thêm ba ngư dân khác đang ra sức kéo, ở dưới cùng, cũng có hai ngư dân mình trần, đầu vấn khăn và đóng khố sampot, họ như đang nói với nhau trong khi kéo một cái lưới chài nhỏ hơn. Qua những cảnh sinh động này, ta thấy Janniot đặc biệt chú trọng miêu tả việc đánh bắt thuỷ sản của ngư dân Đông Dương, mà ta sẽ tuần tự thấy với những phương thức và ngư cụ dùng để đánh cá, như bằng lưới lớn cho dân đi biển, chài bằng lưới nhỏ, cất vó hoặc thả rớ trên sông nước, hoặc dùng nơm nơi những chỗ nước cạn, và đặc biệt miêu tả chi tiết các giống cá và thuỷ sản đặc thù của vùng biển Việt Nam.
Sau lưng những ngư dân là bụi cây cà-phê, chữ CAFÉ xuất hiện giữa họ. Một nhóm người phu đang vác những sọt sản phẩm, và có ba người nông dân đang gieo cấy trên ruộng lúa nước trong khi người thứ tư đang đốc suất. Đằng trước, một nông dân đang đẩy cày với hai con trâu kéo, và bên dưới khắc chữ MAIS (bắp/ngô), có những người đàn ông đàn bà đang sàng lựa hạt bắp. Ở trên cùng, một người đàn bà đang đốn mía. COCHINCHINE (Nam kì) được khắc trên khoảng không gian ruộng đồng, đây là vùng nam bộ ở cửa sông Mêkông.
Trong khoảng rừng tách biệt, diễn ra một trận kịch chiến giữa hai mãnh thú, một con trăn gấm lớn đang quấn lấy con hổ Đông Dương cơ bắp nổi căng thẳng. Cảnh tượng ngoạn mục thể hiện sức mạnh trong thế giới hoang dã tự nhiên của rừng nhiệt đới với một vẻ đẹp đáng sợ.
Nhìn lên phía trên sau những bụi cây rậm rạp như xương rồng và dương xỉ với đầu hổ gầm gừ, ta thấy ba người đàn ông đang gánh những bó lúa, cánh đồng họ đi ngang qua khắc chữ PADDY (đồng lúa). Cảnh sau họ là một đàn cò vỗ cánh, xa hơn có người đàn bà đang chèo trên chiếc bè di chuyển lên mạn phía bắc sông Mêkông về phía biển hồ Tonlé Sap. Xa xa phía sau mảnh buồm của chiếc bè ta thấy những ngôi đền Angkor Wat.
Bên dưới cảnh thú rừng giao tranh bắc sang ô cửa sổ kế tiếp là một cảnh êm đềm, POIVRE (hồ tiêu), người đàn ông và người vợ trang phục áo dài, vấn khăn, cùng cậu con trai đang đứng trước những giàn dây leo và thu hái hạt hồ tiêu vào giỏ tre.
Một lần nữa nhìn xuống tấm panô giữa hai cửa sổ tiếp theo là cảnh những người phu cạo mủ trong đồn điền cao su, ta thấy một phụ nữ khom xuống hứng mủ vào chén. Trên cây có chữ CAOUTCHOUC (cao-su), một người đàn ông đang dùng dao cạo lớp vỏ mỏng trên thân cây để cho mủ chảy ra.
Phía trên thân cây cao su có một con khỉ đang leo cây hướng lên phía trên, ta thấy tên CAMBODGE tiếp theo là cảnh khai thác cao-su, bên dưới tàn cây cao-su ta thấy ba người phu đồn điền đầu vấn khăn Khmer, họ như đang trò chuyện trong lúc thu gom và trút mủ vào bồn để chờ chế biến.
Hai con voi châu Á với một quản tượng đi về phía cửa chính, cho thấy sự miêu tả chính xác về đặc điểm và hình thể của loài voi này, phản ánh đối xứng với sự di chuyển của những con voi châu Phi bên cánh phía tây. Quần thể đền Angkor dàn trải phía sau.
Bên trên tấm panô tiếp theo, một người đàn bà và người đàn ông đang thu hái bông vải, COTON (bông sợi). Ở dưới, bên bụi dâu một cô thợ ươm tơ đang nhẹ nhàng rút và chập những sợi tơ lại từ những kén tằm đã bong áo, bên cạnh là một con nhộng tằm đang nằm trên lá dâu có chữ SOIE (lụa).
Nhìn lên phía trên lưng những con voi, ta cũng thấy một đàn cò bay trên sông. Trên một thửa ruộng ngập nước, một nhóm nông dân khác đang cấy lúa, khắc chữ RIZ (lúa), và một bánh xe thủy lợi lớn bằng tre dẫn thuỷ nhập điền, khắc tên LAOS (Lào).
Phía sau hai con voi châu Á, dưới tàng cây thốt nốt, ta thấy một người đàn ông tung chiếc lưới, một đàn chim bay tứ phía, trong lưới có một số loại chim, chủ yếu các loại vẹt Đông Dương, có loại lớn, nhỏ, có con đuôi ngắn, đuôi dài. Phía trước người đàn ông có đàn hươu nai đang hoảng hốt phóng chạy trong các tư thế sinh động. Chúng là những loài hươu nai đặc hữu ở Đông Dương, ta thấy có bốn con: mang rừng (hoẵng), hươu xạ, hươu vàng có gạc lớn, và con linh dương giác có cặp sừng cong vênh đang nhoài đầu và đi tới phía con gà lôi trắng có bắp đuôi to và dài đang ở dưới cây quế.
Bên trên bầy hươu nai, dưới cây dừa, HUILE (dầu), một người phụ nữ đang vươn tay hái dừa, đối diện là người đàn ông cạnh cái lu, ông đang cầm gáo vớt và đổ chất váng nước cốt dừa vào thùng đề chế biến dầu dừa.
Tấm panô phía dưới con gà lôi trắng đuôi dài, cạnh khóm cây trà, khắc chữ THÉ (trà), người đàn ông đang rải lá trong cái nong, một cô gái đang đặt cái nong lên dàn kệ phơi, và một cô đang ôm cái bồ đựng trà.
Ở tấm phù điêu góc cuối bảo tàng, dưới mái nhà tre, ta tìm thấy đại diện duy nhất của ngành thủ công mĩ nghệ, trong một xưởng chạm khắc đủ các loại tượng Phật giáo Đông Dương, tượng voi, và những chiếc bình bằng gốm nằm trên kệ, và những đồ đồng như lư hương… Một nghệ nhân đang đặt pho tượng Phật đã hoàn thành lên kệ, ở dưới cánh tay người này có chữ ARTS (mĩ thuật). Nghệ nhân thứ hai đang cắm cúi chạm khắc gỗ tượng một ông quan. Chắc hẳn nhà điêu khắc Janniot rất thú vị khi miêu tả tay nghề chạm khắc nổi tiếng của các nghệ nhân Đông Dương mà sản phẩm của họ luôn được trưng bày trong các cuộc triển lãm quốc tế ở Pháp.
Trước khi rẽ góc, ta thấy cây dừa và cây cà-phê có con khỉ chuyền cành để tiếp tục sang bức tường phía đông trên đó khắc tên xứ ANNAM (Trung kì), ta đang ở bờ biển miền trung, với những con thuyền có mui, chữ PÊCHE (đánh bắt cá) khắc dưới mạn thuyền, và ta thấy trên tấm panô bên dưới có ba người đàn ông lội xuống ao ruộng dùng ngư cụ truyền thống là cái nơm để úp xuống bắt cá hoặc tôm cua. Người đàn ông phía trước phát hiện có cá quẫy bèn thọc tay bắt qua miệng nơm. Mọi tư thế và cơ bắp gân guốc trên cơ thể họ được chạm khắc rất tinh tế so với thể hiện các ngư dân trong hai tấm panô đầu tiên ở mặt tiền. Và nếu sang tiếp tấm panô cuối cùng về Đông Dương, ở đó cũng có một nhóm ngư dân khác đang hò kéo một lưới đầy các loại thuỷ sản.
Dọc theo bờ biển miền trung lên tới vịnh bắc bộ ta thấy những ngư phủ đang chèo chống và đặt các loại lưới nâng hay vó khung ngay trước mũi thuyền hoặc mạn thuyền.
Ở bên trên, ta thấy thêm một số bụi cà phê, dừa và dây trầu, có người đàn ông trên cùng đang đội cái thúng đối diện với hai người khác cũng đội thúng ở góc quanh. Phía bên phải khắc CHARBON (than đá), một người khai thác than đang đào bằng cái xẻng, bụi chuối trĩu buồng phía sau người thợ mỏ. Tên TONKIN được khắc phía trên quặng than. Một phụ nữ đội nón quai thao đang cắm cúi đào lấy củ hoặc hái những thực vật mọc trên nước cạn. Bầy chim cốc bay trước những mũi thuyền đang thả vó, hàng chữ MER DE CHINE (Vịnh Bắc bộ/Biển Hoa Nam). Nhìn ra phía biển, có con thuyền buồm đi theo hướng ngược lại. Một biểu tượng la bàn đánh dấu 70° LAT SUD (70° vĩ độ Nam) ở phía trước, tương ứng với khoảng cách của Nam Thái Bình Dương. Từ đây, địa lí còn lại của bức phù điêu bắt đầu miêu tả các đảo thuộc địa còn lại của Pháp như Caledonie Nouvelle, Tahiti…
Vài lời kết
Ta đã dạo ngắm đại thể một số hình ảnh phù điêu về Đông Dương do Janniot trang trí trên mặt tiền một toà nhà vốn thuộc trong số kiệt tác thế giới về kiến trúc Art Déco. Điều đáng chú ý, Janniot đã không thể hiện bất cứ sự hiện diện nào về người Pháp tại các thuộc địa này ngoài một số biểu tượng và ẩn dụ về nước Pháp trên phần cửa chính như thường thấy trong chủ nghĩa tân cổ điển. Bằng sự tách biệt những người lao động bản xứ và việc sản xuất của họ ra khỏi văn hóa châu Âu, toàn bộ tấm thảm đá cho ta thấy trong thế giới này, người Pháp không tồn tại. Thế nhưng bức chân dung tổng hợp lí tưởng về một ‘Đại Pháp’ lại không thể tồn tại nếu thiếu nhóm dân tộc thuộc địa, ở đây họ đang dấn thân lao động sản xuất hàng hoá để nuôi ngành công nghiệp Pháp. Tuy sự thể hiện này có thể xuất phát từ ý thức hệ thực dân của một thế giới thuộc thế kỉ trước nhưng thật ra cũng không khác mấy với kỉ nguyên kinh tế toàn cầu ngày nay đối với những nước đang phát triển trong thời hậu thuộc địa.
Những thể hiện mang tính chất hương xa dị kì mà ta biết suốt thời thuộc địa, từ cuối thế kỉ 19 sang thế kỉ 20, các nghệ sĩ đã say mê tìm tới những nguồn nghệ thuật ‘nguyên thuỷ’ (primitivism) như cuộc trở về nguồn, mà năng lượng mới để tái tạo được hấp thu từ những xứ sở ‘địa đàng’ ở các thuộc địa như Đông Dương hay Đông Nam Á, cũng như châu Phi và những đảo Nam Thái bình dương, từ đó tạo nên sự thay đổi triệt để trong sự hình thành chủ nghĩa hiện đại ngay tại trung tâm nghệ thuật thế giới ở Paris. Đó là điều nghịch lí của nền văn minh kĩ nghệ tiên tiến.
Nhưng tất cả những gì cuối cùng mà Palais de la Porte Dorée hay Bảo tàng Thuộc địa để lại với di sản của nó, không phải là đỉnh cao về quyền lực kinh tế và chính trị quá vãng mà chính là vốn ‘tích luỹ thặng dư’ đối với các giá trị văn hoá nghệ thuật ‘exotic’ đã thu hoạch được, thậm chí cả sự tiếm đoạt về văn hoá mà khi một đế quốc lên tới tột đỉnh vinh quang, nó sẽ ‘triển lãm’ điều này ra trước thế giới. Tấm thảm đá tráng lệ của Alfred Janniot là một tượng đài, một ‘tour de force’ (thành tựu) đánh dấu cho sự kết tinh này mà những gì cuối cùng còn lại và trường tồn với thời gian chính là vẻ đẹp bi tráng của nó.
Tham khảo:
- Brochure Images des colonies au Palais de la Porte dorée, Musée national de l’Histoire de l’immigration - aquarium tropical; bản điện tử.
- https://www.palais-portedoree.fr/en/architectural-style-palace
- Paul Kahn, “Alfred Janniot’s Vision of La plus grande France”, bản điện tử đăng trên trang: Medium.com
- Panivong Norindr, Phantasmatic Indochina: French Colonial Ideology in Architecture, Film, and Literature, Duke University Press, 1996
- Georges Petit, “L’art et la nature: La faune exotique dans les bas-reliefs du musée des colonies”, La Terre et la vie – 1931, N°01, bản điện tử.
*Phần lớn hình ảnh chụp chi tiết phù điêu trên Palais de la Porte dorée đăng trong bài viết này đều do nhà nghiên cứu mĩ thuật Ngô Kim Khôi chụp trong chuyến quay lại Paris vừa rồi, thật may trùng hợp lúc đang viết bài này, cảm ơn anh đã nhiệt tình cho phép sử dụng.
Nguồn: http://havutrongarchives.blogspot.com/2020/01/dao-ngam-ong-duong-qua-bo-bach-khoa.html?m=0
XEM THÊM:
ĐƯA NỘI THẤT PHONG CÁCH ĐÔNG DƯƠNG VÀO THIẾT KẾ BIỆT THỰ PHONG CÁCH CỔ ĐIỂN – HÒA HỢP VỚI KHÔNG GIAN SỐNG
Phong cách thiết kế nội thất biệt thự lối Đông Dương sẽ là xu hướng mới của năm 2021 ?